Rau dừa nước là loại cây mọc dại. Loại rau này trước chỉ để cho lợn ăn hoặc bị nhổ vứt đi, nay là đặc sản, được bán với giá đắt đỏ, nhiều khi muốn mua phải chờ.
Ở nước ta, rau dừa nước là một loại cây vô cùng phổ biến tại vùng nông thôn. Rau dừa nước còn có nhiều tên gọi khác nhau, tùy từng khu vực như: như du long thái, thủy long, rau dừa trâu, rau mương bò… Người dân miền Đông, Nam Trung bộ còn gọi chúng với cái tên là sen úng thủy hay sen cạn bởi loại rau này có thể mọc ở ruộng cạn nước và ruộng ngập nước. Loại rau này thuộc họ rau dừa nước (onagraceae).
Rau dừa nước mọc hoang ở khắp triền đê, ao hồ, đầm lầy, ruộng lúa. Loại cây này thuộc thân thảo, từ thân đâm nhiều nhánh nhỏ.
Rau dừa nước mọc nổi trên mặt nước giống cây rau rút, bén rễ ở các mấu và có phao nổi. Lá dừa nước hình trứng dài, mọc so le, gốc thân đầu tù, hai mặt nhẵn. Thân cây dừa nước hình trụ, mềm yếu, có nhiều đốt, mỗi mấu đốt lại có nhiều rễ con. Mỗi đoạn thân nhỏ lại có các phao trắng mềm và xốp bao quanh.
Nếu mọc ở cạn, các phao này sẽ tiêu biến. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng. Quả nang, bên ngoài có lông mịn, không ngứa, bên trong chứa nhiều hạt.
Tại Việt Nam, rau dừa nước xuất hiện ở khắp 3 miền nhưng nhiều nhất là ở miền Tây. Ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay Malaysia cũng có cây rau dừa nước.
Ở các ruộng lúa, người ta thường hay thấy cây dừa nước này. Loại cây này phát triển rất nhanh, người nông dân phải nhổ bỏ để cho cây lúa phát triển.
Nhiều người dân trước hay lấy cây dừa nước mọc dại này để cho lợn ăn. Thi thoảng, một số người cũng lấy rau dừa nước về ăn chống đói.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rau dừa nước “được lòng” dân thành phố, trở thành món ăn đặc sản được săn đón, xuất hiện cả ở nhà hàng, quán ăn, được bán với giá khá đắt đỏ.
Trên chợ mạng, các cửa hàng rau sạch và các sàn thương mại điện tử, rau dừa nước được bán cả tươi lẫn khô. Rau dừa nước tươi có giá từ 25.000-29.000 đồng/kg. Còn rau dừa nước khô đang được rao bán với giá từ 80.000-190.000 đồng/kg. Lúc khan hiếm, khách hàng còn phải đặt trước mới mua được thứ rau mọc dại này.
Khi thu hái rau dừa nước, người ta thường loại bỏ phần gốc và thân già, để lại phần ngọn và lá non mơn mởn. Muốn để lâu, chỉ cần rửa sạch phần lá rồi thái ngắn và cho vào túi nilon hoặc là để trong hộp có nắp, để trong tủ lạnh dùng dần.
Loại rau dại này được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Rau dừa nước được luộc ăn như các loại rau khác hoặc làm rau sống, hoặc chế biến trong các món gỏi, nhúng lẩu, đem xào hoặc là được kết hợp trong các món bún riêu, bún mắm… đều rất ngon và giàu giá trị dinh dưỡng. Nhưng ngon và “chuẩn bài” nhất phải kể đến món rau dừa chấm mắm cá kho.
Người nào mới ăn rau dừa nước lần đầu có thể sẽ thấy vị nồng, hơi ngứa cổ. Nhưng khi đã quen, người ta sẽ không thể nào quên được vị thanh mát của nó.
Không chỉ ngon, rau dừa nước còn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Rau dừa nước có chứa các thành phần flavonoid, tanin, chất nhầy, nhiều muối, kali, natri.
Theo y học cổ truyền, rau dừa nước vị ngọt nhạt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Rau dừa nước có thể được dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, mụn nhọt, rối loạn tiêu hóa.…